Thị phần khiêm tốn
Chia sẻ về thực trạng này, bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) cho hay: Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, gạo, thứ 5 về thuỷ sản… Tuy nhiên theo số liệu của Cơ quan Thống kê EU, 4 tháng năm 2022, EU chi 40 tỷ Euro nhập khẩu nông sản, rau quả nhưng Việt Nam chỉ chiếm 0,1% thị phần. Điều này chứng tỏ thị phần của nông sản Việt Nam còn khiêm tốn, cũng có nghĩa doanh nghiệp trong nước chưa tận dụng triệt để Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (Hiệp định EVFTA).
Tại Hội thảo trực tuyến - Chiến lược kinh doanh ở Hà Lan: Xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Hà Lan/EU do Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa do USAID tài trợ, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan Việt Nam và Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch phối hợp tổ chức gần đây, bà Nga Đặng - Giám đốc AB Consul, Đồng sáng lập Miss Linh, Thành viên Ban Giám đốc DBAV-NVCC tại Hà Lan chỉ ra một thực tế: Trong các siêu thị tại Hà Lan, thậm chí cả EU hầu như không thấy sự hiện diện của nông sản mang thương hiệu Việt. “Nguyên do, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nông sản thô, nhà nhập khẩu dùng làm nguyên liệu phối trộn do đó không có tên hay thương hiệu trên bao bì”, bà Nga Đặng nói.
Nông sản Việt Nam chỉ chiếm 0,1% thị phần tại EU |
“Tại thị trường Hà Lan, một số doanh nghiệp nhập khẩu gạo ST24, ST25 của Việt Nam nhưng khi bán ra thị trường lại được phối trộn với 50% loại gạo khác. Điều này không chỉ làm xấu đi thương hiệu gạo Việt Nam mà còn gây khó cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo vào EU sau này, do ấn tượng về chất lượng và khó cạnh tranh về giá”, ông Hiển Phạm - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu LTP Import&Export thông tin thêm.
Làm cách nào để có vị trí cao hơn?
Tại thị trường EU, xét về vị trí trên chuỗi cung ứng bà Nga Đặng cho rằng, nông sản Việt Nam đang ở vị trí thấp nhất, đồng nghĩa giá trị nhận về của người sản xuất vô cùng thấp. Vậy làm thế nào để nông sản Việt Nam vươn lên vị trí cao hơn?
Từ kinh nghiệm thực tế làm việc hơn 20 năm trong lĩnh vực thương mại quốc tế, theo bà Nga Đặng, Việt Nam cần xây dựng thương hiệu nông sản đủ mạnh. Một doanh nghiệp xây dựng thương hiệu riêng trên thị trường, nhất là thị trường có độ cạnh tranh cao như EU là rất khó. Do vậy, nhiều doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực có thể liên kết với nhau xây dựng thương hiệu chung sẽ thuận lợi hơn.
Riêng với thị trường Hà Lan, Thành viên Ban giám đốc DBAV-NVCC tại Hà Lan cho hay: Nên bán sản phẩm với tên của chính doanh nghiệp để thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp đến gần hơn với khách hàng. Việc bán hàng tại thị trường này khá dễ dàng và không nhất thiết phải có chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tư cách pháp nhân. Doanh nghiệp Việt Nam có đăng ký với cơ quan chức năng Hà Lan và nộp thuế giá trị gia tăng, đưa hàng vào thị trường, thuê kho và từ đó giao hàng tới tay khách hàng.
“Miss Linh là sàn thương mại điện tử riêng cho hàng hoá Việt Nam có thể giúp doanh nghiệp lo tất cả thủ tục để có thể tiến hành bán hàng tại Hà Lan và EU bằng tên chính của doanh nghiệp. Đây cũng là một kênh tốt doanh nghiệp có thể tiếp cận, sử dụng”, bà Nga Đặng nói.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm Minh bạch: Việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật là điều kiện tiên quyết để nông sản thâm nhập thị trường EU. |
Việt Nga
(https://congthuong.vn/nong-san-viet-chua-co-thuong-hieu-tai-eu-220490.html)