Giỏ hàng0

Khó tiêu thụ hàng hóa trong đại dịch: Giải tỏa từ Bộ NN-PTNT, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải

Sáng 14/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT (NN&PTNT) đã tham gia tọa đàm "Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và TP HCM" do Báo Người Lao Động tổ chức. Cùng dự với Bộ trưởng Lê Minh Hoan còn có đại diện lãnh đạo một số đơn vị gồm Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi, Cục Trồng trọt, Cục Chế biến, Cục Quản lý chất lượng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại tọa đàm "Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và TP HCM" do Báo Người Lao Động tổ chức

 

Tham gia buổi tọa đàm, phía các cơ quan Trung ương có ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Tổ phó Thường trực Tổ Công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương; ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT. Phía các địa phương gồm có lãnh đạo các địa phương khu vực ĐBSCL, đại diện lãnh đạo TP HCM và các tỉnh lân cận, các sàn giao dịch, nhà phân phối, doanh nghiệp (DN).

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, trong bối cảnh hiện nay, người nghèo hay người giàu, nông dân hay chính quyền, đầu sản xuất hay đầu thu hoạch lưu thông cũng đều khó khăn. “Chúng ta có lường đến những câu chuyện từ trước nhưng đại dịch chưa có tiền lệ, việc ứng xử chưa có quy chuẩn nào, vừa đi vừa dò đường và sửa sai, hoàn chỉnh”, Bộ trưởng nói.

Không thể trông mong phép màu nào để vận hành một cách bình thường trong điều kiện không bình thường. Mục đích không phải là điều tiết để có thể vận hành được như trước đại dịch mà mục đích là tối thiểu hóa rủi ro cho nông dân, chính quyền, DN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong các cuộc họp gần đây đã phát tín hiệu chúng ta chắc chắn phải chuyển nền kinh tế sang vận hành trong điều kiện bình thường mới, sống chung với Covid-19 như các nước xung quanh. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, thực tế, chúng ta đã có sự lúng túng nhất định ngay khi bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16 tại các tỉnh, thành phía Nam. Thủ tướng dù lưu ý rõ việc điều hành không được cực đoan thái quá, không được lơ là, chủ quan, mất bình tĩnh, nhưng đại dịch ập đến tạo áp lực lớn với tất cả hệ thống.

Việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế gây ra sự chao đảo, mất cân bằng nhiều hơn so với những đợt dịch trước. Từ đây, cần rút ra bài học về tính hệ thống vùng. Sự lúng túng cho thấy chúng ta đã không kết nối không gian giữa 13 tỉnh ĐBSCL như một thực thể mà lại chia cắt bằng địa giới hành chính. Đây là thử thách về tư duy liên kết vùng.

Nếu xem toàn vùng như một thực thể thì chúng ta sẽ có ứng xử khác. Ở đây, tôi thừa nhận có phần trách nhiệm của Bộ NN-PTNT khi chưa đảm đương được vai trò điều phối để làm liên lạc, nối mạch máu bị đứt gãy vận hành trong đại dịch ở khu vực. Từ đó, bài học đặt ra là phải xem lại tư duy vùng. Để thực hiện giãn cách với mục tiêu chống dịch, đúng là cần thực hiện chủ trương “người cách ly với người, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh” và “mỗi tỉnh là một pháo đài”. Nhưng, đây là pháo đài chống dịch chứ không thể là pháo đài kinh tế vì kinh tế cần sự liên lạc.

Thương lái cũng có vai trò quan trọng trong thực thể mạch máu lưu thông. Đã là một hệ thống thực thể thì không có chính - phụ, tất cả đều phải “chạy”. Cần tư duy lại trong thời gian tới làm sao để tạo được sự liền lạc thông suốt. Muốn vậy, chính quyền địa phương và DN cần ngồi lại để cùng kiến tạo ra 1 không gian an toàn bởi mỗi DN có đặc thù riêng.

Tiếp đến là phiên Gỡ vướng và kết nối, lắng nghe nhiều đề xuất, giải pháp từ các bên tham gia. Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú ghi nhận nguyện vọng của DN muốn được hỗ trợ vốn, lãi suất, nguồn lực cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nói chung và nông sản nói riêng. Các địa phương cũng vào cuộc rất tích cực, chúng tôi đánh giá rất cao trách nhiệm triển khai của địa phương trong vụ hè thu. NHNN nhìn nhận kể cả trước dịch, ĐBSCL vẫn là đối tượng cần những chính sách hỗ trợ cụ thể, khác biệt với các vùng khác.

Nghị định 55 và 116 đã giải quyết căn cơ cho cơ chế ưu tiên, nguồn lực cho vùng. Ngoài ra, NHNN cũng chỉ đạo tập trung toàn bộ nguồn lực cho ĐBSCL. Về chính sách chung cho toàn bộ DN, ngành ngân hàng đã có cơ chế giãn nợ, lãi với DN, người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 và chưa có điều kiện trả nợ. Đầu năm nay, ban hành Thông tư 03 bổ sung cho Thông tư 01.

Với diễn biến phức tạp của dịch trên diện rộng, cách đây 5 ngày, Thông tư 14 tiếp tục được ban hành để phù hợp điều kiện thực tế hiện nay. Chúng tôi nhận định nếu tháng 9 này, kinh tế cơ bản phục hồi được thì Thông tư 14 cơ bản xử lý được những khó khăn của DN. Nếu diễn biến phức tạp hơn, ngành ngân hàng sẽ cập nhật chính sách kịp thời. Chúng tôi thể hiện quan điểm rất rõ ràng là nhà nước luôn sát cánh cùng DN.

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Tổ phó Thường trực Tổ Công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương, giai đoạn khó khăn nhất trong việc cung ứng hàng hoá cho TP HCM và ĐBSCL đã qua. TP HCM và các tỉnh phía Nam là bài học về việc thực hiện những nhiệm vụ khó khăn nhất trong giai đoạn chống dịch, đặc biệt là TP HCM dù nhiều khó khăn nhưng đã bảo đảm đủ hàng hoá cho người dân ngay cả trong giai đoạn cam go là “ai ở đâu ở yên đó”, shipper không được hoạt động, không chỉ cung ứng hàng đến người dân TP mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng hoá cho các tỉnh, thành ĐBSCL.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ kết nối, tiêu thụ hàng hoá thông qua các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, đa dạng hình thức phân phối… Trong đó, sẽ đưa vào vận hành sàn giao dịch ảo để tạo thêm kênh xúc tiến, bán hàng cho DN trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, dịch bệnh bùng phát gây ra tình trạng nguồn hàng ở các địa phương rất dồi dào nhưng ách tắc, không buôn bán được, giá cả nâng lên. Do vậy, ảnh hưởng đến cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm người dân. Ngoài ra, toàn bộ hệ thống phân phối truyền thống tạm dùng, hàng hóa của nông dân không có đầu ra.

Để tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, TPHCM đề xuất tiếp tục triển khai kết nối với các hệ thống phân phối để có đánh giá, so sánh, tổng hợp nhu cầu thị trường, giá cả năng lực để có thể kết nối thu mua. Bên cạnh đó, TP cũng đã cho phép sàn thương mại điện tử cũng như DN kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử hoạt động trở lại.

Sắp tới đây, shipper sẽ được hoạt động liên quận, tạo điều kiện để người dân tiếp cận hàng hóa, giải quyết đầu ra cho người dân địa phương. Một vấn đề khác là việc bán hàng lưu động dưới hình thức combo dẫn đến nhà cung ứng tập trung hàng có khả năng lưu trữ lâu ngày, thực phẩm tươi sống khó tiếp cận được, đặc biệt là thủy hải sản.

Phát biểu tổng kết toạ đàm,  ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao Động tổng kết 9 vấn đề:

Thứ nhất, như Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nói, ngoài sống chung với dịch chúng ta còn phải sống chung với nhau. Ý Bộ trưởng rất hay vì chúng ta phải dẹp qua những bất đồng, chưa thống nhất với nhau để ngồi lại với nhau mà toạ đàm hôm nay là 1 trong những hành động chúng ta cần phải tiếp tục phát huy để có thể tìm được tiếng nói chung nhiều hơn nữa không chỉ trong phạm vi 13 tỉnh thành ĐBSCL mà còn phải kết nối rộng ra các tỉnh thành khu vực Đông Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên.

Thứ hai, các cơ quan chính quyền, DN, nông dân và các NH cần phải lắng nghe, thấu hiểu, gắn kết với nhau nhiều hơn để phục hồi sản xuất một cách mạnh mẽ sau đại dịch.

Thứ ba là vai trò của hệ thống NH, trong đó với sự quyết tâm đồng lòng của NH Nhà nước và sự chung sức của các NH thương mại. Lãnh đạo NH Nhà nước rất quan tâm hướng về miền Nam trong giai đoạn khó khăn, hy vọng với sự hỗ trợ của hệ thống NH, sản xuất kinh doanh khu vực phía Nam sẽ sớm có những bước chuyển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Thứ tư, cần tăng cường ứng dụng công nghệ để kết nối sản xuất và thương mại, biến người nông dân truyền thống thành nông dân hiện đại. Đặc biệt, với sự ra đời của nhiều sàn thương mại điện tử, việc nông dân có không gian thương mại trên các sàn thương mại điện tử là tương lai rất gần. Thực tế nông dân nhiều nước đã tham gia bán hàng trên sàn, tại Việt Nam cũng vậy.

Thứ năm, mô hình của DN mua hàng của nông dân ĐBSCL mang về TP HCM bán không lợi nhuận như cách làm của Gigamall, Viettel Post… Cách làm này sẽ tạo được vòng quay vốn nhiều lần và giúp được nhiều lần cho nông dân ĐBSCL lẫn người tiêi dùng TP HCM. Hy vọng Gigamall sẽ nhóm lên ngọn lửa để các DN khác cùng bắt tay thực hiện.

Thứ sáu, qua toạ đàm ngày 4-9, Báo Người Lao Động đã phối hợp với Tổ 970 của Bộ NN-PTNT mở cổng giao tiếp trên Báo Người Lao Động điện tử. Thông qua đó, người dân TP HCM và các tỉnh miền Nam có thể kết nối đặt hàng thông qua Tổ 970; Tổ 970 kết nối với các tỉnh ĐBSCL giúp được rất nhiều nông dân đưa hàng hoá của mình đến tận bàn ăn của người dân TP HCM lẫn các tỉnh, thành khác. Hy vọng mô hình này sẽ phát huy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Thứ bảy, quyết tâm cao và tinh thần hành động từ trung ương đến địa phương. Tại toạ đàm hôm nay, ngoài Bộ trưởng Lê Minh Hoan còn có 4 lãnh đạo các vụ của Bộ NN-PTNT cùng theo dõi để hỗ các địa phương; lãnh đạo hầu hết các tỉnh tỉnh phía Nam tham dự để kết nối.

Thứ tám, đại dịch chưa có tiền lệ, chúng ta phải chấp nhận những thiệt thòi mất mát nhưng với sự linh hoạt, đoàn kết gắn bó của tất cả lãnh đạo ban ngành đoàn thể, lãnh đạo địa phương cũng như DN hy vọng chúng ta sẽ sớm vượt qua trong thời gian tới. Trước mắt, trong 2 tuần tới, chúng ta sẽ tiếp tục cuộc chiến này và hy vọng chúng ta sẽ chống dịch thành công, mọi người sẽ có cuộc sống tốt hơn trong thời gian tới.

Thứ chín, vai trò của cơ quan truyền thông. Cơ quan báo chí, trong đó có Báo Người Lao Động, không chỉ làm công tác truyền thông, đưa tin đến mọi người mà chúng tôi với trách nhiệm của mình sẵn sàng làm cầu nối cho các địa phương đưa nông sản của bà con nông dân ĐBSCL đến với bà con khu vực phía Nam, làm sao cho nền kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch 1 cách tốt nhất. Chính vì mục tiêu giảm thiểu thiệt hại, vượt qua đại dịch, tăng cường kết nối, giúp DN phục hồi, nông dân bán được hàng, người tiêu dùng mua được hàng hoá chất lượng với giá tốt nhất… góp phần phát triển kinh tế.

Sau toạ đàm này, Báo Người Lao Động sẽ kết hợp với 1 số đơn vị, trong đó có NH Nhà nước và các bộ ban ngành tiếp tục tổ chức một số hoạt động khác. Trước mắt, Báo Người Lao Động sẽ mở 1 kênh Zalo để kết nối với lãnh đạo các NH, đại phương, các ban ngành đoàn thể để trong khả năng của mình, Báo Người Lao Động sẽ kết nối với các bộ ngành hỗ trợ giải quyết. Đây cũng là có kênh kết nối tiêu thụ nông sản cho các tỉnh thành.

NLA (Tổng hợp)

(https://www.mard.gov.vn/Pages/kho-tieu-thu-hang-hoa-trong-dai-dich-giai-toa-tu-bo-nn-ptnt-ngan-hang-nha-nuoc-bo-giao-thong--.aspx)

Tin liên quan

29-03-2024

Gừng Huế: MÓN QUÀ SỨC KHỎE VÔ GIÁ TỪ THIÊN NHIÊN

Gừng Huế (gừng sẻ) có kích thước củ nhỏ, vị cay nồng và thơm đặc trưng.
30-08-2023

Xuất khẩu khởi sắc, thặng dư thương mại đạt trên 20 tỷ USD

Xuất khẩu hàng hóa tháng 8 tăng 7,7% so với tháng trước. Nếu so sánh với các tháng 5 (tăng 4,3%); tháng 6 (tăng 4,5%); tháng 7 (tăng 0,8%) thì mức tăng của tháng 8 là rất khả quan. Điều này cho thấy các giải pháp xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường của doanh nghiệp đã mang lại kết quả tích cực…
05-05-2023

M.A.I Organics và sự kiện Ngày Hội sản phẩm Xanh và Văn hóa ngày 7/5/2023

M.A.I Organics và sự kiện Ngày Hội sản phẩm Xanh và Văn hóa ngày 7/5/2023
23-03-2023

Các doanh nghiệp lớn của Mỹ coi Việt Nam là thị trường chiến lược

Chiều 22/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
26-12-2022

Hành trình vạn dặm lan toả kinh tế tuần hoàn bắt đầu bằng một bước chân

HÀNH TRÌNH VẠN DẶM BẮT ĐẦU BẰNG MỘT BƯỚC CHÂN
10-12-2022

Trách nhiệm của doanh nghiệp khởi nghiệp ở Huế đối với giảm thiểu rác thải nhựa

WWF- Việt Nam hỗ trợ cho các doanh nghiệp startup ở Huế thay đổi bao bì nhựa hướng đến bao bì thân thiện môi trường

0903 002 699